Người thầy hạnh phúc và tiết dạy cuối cùng

Lượt xem:

Đọc bài viết

40 năm dạy học, chiều 17-11 thầy Lê Công Tuệ, giáo viên Trường THCS Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), đã dạy tiết cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Thầy Tuệ sống một đời giáo viên rất đẹp, tiết dạy cuối cùng thầy không buồn mà rất hạnh phúc…

https://tuoitre.vn/nguoi-thay-hanh-phuc-va-tiet-day-cuoi-cung

Thầy Tuệ và học sinh luôn có sự kết nối trong tiết dạy - Ảnh: TRẦN MAI

Trưa 17-11, khi chưa có học sinh nào đến trường, thầy Tuệ đã đến lớp dạy, chỉn chu từ trang phục đến phong cách. Một mình thầy lặng lẽ trong phòng học, xếp lại bàn ghế để chia thành bốn nhóm. Xong rồi thầy kiểm tra kết nối máy tính, âm thanh…

Chuẩn mực đến tiết dạy cuối cùng

Chúng tôi bất ngờ khi tiết dạy cuối cùng thường thầy cô sẽ tâm tình với học trò như một lời chia tay cùng cảm xúc nghẹn ngào, nhưng thầy vẫn lên lớp như một buổi dạy bình thường. “Tiết dạy đầu tiên hay cuối cùng cũng như nhau thôi. Thậm chí tiết dạy này tôi còn chỉn chu hơn vì nay mai là đến Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam” – thầy Tuệ bộc bạch.

Sắp xếp xong lớp học, thầy Tuệ lên bảng viết dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2023)”. 60 tuổi, nét chữ thầy vẫn đẹp như xưa.

Ký ức ùa về, năm 1984 thầy Tuệ về Trường THCS Nghĩa Thắng nhận công tác và gắn bó duy nhất với ngôi trường này mãi đến giờ. Ngẫm lại, thầy Tuệ bảo có những tham chiếu khiến thầy nhận ra mình đứng trên bục giảng quá lâu, nhiều gia đình đến ba thế hệ thầy trực tiếp giảng dạy. Cái thời dạy học giáo viên là trung tâm đã qua, giờ đến thời học sinh là trung tâm, thầy cô phải truyền tải khác đi, lắng nghe và tôn trọng phản biện của trò.

Mỗi lớp, thầy Tuệ lại giảng dạy theo một cách khác nhau, bài giảng phụ thuộc vào mặt bằng chung của học sinh. Như hôm nay là lớp chọn, học sinh toàn khá giỏi, câu đố “hóc búa” hơn so với buổi học hai ngày trước thầy đứng lớp.

Tiết dạy cuối, học sinh lần lượt bước vào lớp học, tiếng chào của học trò và đáp lại bằng nụ cười cùng những lời hỏi thăm của thầy thật sự ấm áp. Mở đầu tiết dạy, như mọi ngày, thầy Tuệ không dò bài mà chia sẻ với học sinh: “Hôm nay là tiết dạy cuối cùng của thầy, thầy mong các em luôn chăm ngoan, đến trường với niềm vui…”.

Phía dưới, những ánh mắt rưng rưng của trò khi nghe lời chia sẻ của thầy. Lập tức, thầy Tuệ xóa đi không khí ấy bằng câu nói: “Nào, để bắt đầu tiết học, chúng ta cùng hòa ca bài Lớp chúng ta đoàn kết nha”.

Thầy Tuệ đến trường sớm, chuẩn bị cho tiết dạy và viết dòng chữ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: TRẦN MAI

Thầy Tuệ đến trường sớm, chuẩn bị cho tiết dạy và viết dòng chữ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam – Ảnh: TRẦN MAI

“Tiết học quá sôi động, từ khởi đầu vui vẻ, đến tình huống bài tập được lồng ghép bài giảng kiến thức mới quá dễ hiểu, kết thúc tiết dạy bằng trò chơi tổng hợp kiến thức giúp học sinh hiểu bài một cách chủ động. Chúng tôi mong ngày càng nhiều giáo viên giảng dạy chủ động như thầy Tuệ”.
Cô Võ Thị Bông (phó hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng)

Tiết học hứng khởi

Thầy Tuệ bắt nhịp, giọng học trò vang lên “Lớp chúng mình rất rất vui, anh em ta chan hòa tình thân”… Tiết tấu tăng dần cùng với tiếng vỗ tay theo nhịp khiến tiết học giảm căng thẳng.

Thay vì dò bài kiểu gọi tên, thầy Tuệ viết bốn câu hỏi lên bảng và mời bốn nhóm giải theo phương thức “chạy tiếp sức”. Em này làm xong công thức, em khác trong nhóm lao nhanh lên bảng tiếp tục giải cho đến khi có kết quả cuối cùng. Cứ thế, 32 học sinh đều làm bài tập một cách chủ động, không những phát biểu mà còn tranh luận cái sai của nhóm khác.

Trong tiết dạy cuối của thầy Tuệ, tất cả thầy cô giáo của trường đến dự, ai cũng muốn nghe lời giảng của người thầy già nhất trường để thêm một lần cảm nhận vì sao 40 năm qua đi học trò bao thế hệ luôn yêu quý thầy Tuệ đến vậy.

Già nhất trường, nhưng cách dạy trẻ trung khiến nhiều giáo viên trẻ phải gật đầu tán đồng. Buổi học kết thúc bằng trò chơi tìm đáp án từ ô chữ. Các em sẽ ôn lại kiến thức thêm một lần như “ô số 5 có 7 chữ cái và câu hỏi là ngoài tự nhiên có điều gì tác động khiến quá trình oxy hóa nhanh hơn” và câu trả lời chính xác là “nhiệt độ” giúp học sinh nhớ chắc chắn kiến thức.

Buổi dạy kết thúc, học sinh vỗ tay liên tục như một lời chia tay với thầy, còn giáo viên trong trường đến bắt tay người đồng nghiệp đáng kính. Hội đồng sư phạm còn mời thầy Tuệ ở lại tham gia buổi họp “rút kinh nghiệm sau tiết dạy”.

Chuyên môn của thầy Tuệ khỏi phải bàn, bởi mấy chục năm qua thầy luôn là nòng cốt môn hóa THCS của tỉnh Quảng Ngãi, là giám khảo của nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Nhưng điều mà đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh trân quý ở thầy Tuệ là tư cách một nhà giáo. Chẳng biết bao nhiêu mảnh đời học sinh khốn khó đã được thầy và vợ (cũng là một giáo viên đã về hưu) giúp đỡ.

Lúc ở trường cũng như khi về địa phương, thầy luôn là “địa chỉ” tìm đến của những mảnh đời. Sự bao dung và hạnh phúc với nghề như sợi dây kết nối xuyên qua thời gian. Hôm UBND xã Nghĩa Thắng tổ chức gặp mặt giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam và cũng là lời tri ân và chia tay thầy Tuệ, phát biểu trước tập thể giáo viên và chính quyền địa phương, thầy Tuệ tâm tình:

“Tôi không buồn khi về hưu, chỉ là thấy tiếc một chút khi năng lượng còn tràn trề mà tuổi lại cao nhất trường. Khi chúng ta yêu công việc của mình, thời gian không bao giờ là rào cản kéo nhiệt huyết đi xuống”.

Mong thầy nhận lời tiếp tục ở lại trường

Thầy Nguyễn Phúc Lộc, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng, cho biết thầy Tuệ đến tuổi về hưu, nhưng ban giám hiệu trường vẫn mong thầy nhận lời tiếp tục giảng dạy hợp đồng thêm một thời gian nữa. Bởi thầy Tuệ không chỉ truyền đạt chuyên môn, kinh nghiệm dạy học mà vốn quý lớn nhất chính là năng lượng và nhiệt huyết truyền tải đến đồng nghiệp.